BÀI 19. VIÊM THANH QUẢN
MỤC TIÊU.
1. Kể ra được các triệu chứng của viêm thanh quản cấp và mạn tính.
2. Phát hiện được các trường hợp viêm thanh quản cấp có khó thở thanh quản.
3. Xử trí được các trường hợp viêm thanh quản hạ thanh môn.
4. Kể ra được các thể lâm sàng của viêm thanh quản cấp và mạn tính.
5. Tư vấn được và tuyên truyền được các biện pháp phòng bệnh cho cộng đồng.
1. ĐẠI CƯƠNG
Viêm thanh quản (VTQ) nói chung là tình trạng bệnh lý ở thanh quản do các loại vi sinh gây ra, bao gồm: VTQ do virus, VTQ do vi khuẩn và VTQ do kí sinh trùng.
Bệnh thường xảy ra khi thay đổi thời tiết, hay gặp trong mùa lạnh, trong và sau các đợt cảm cúm hoặc viêm mũi, họng cấp.
Viêm thanh quản cấp thường gặp ở trẻ em đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, ngược lại viêm thanh quản mạn thường gặp ở người lớn, ít gặp ở trẻ em
Viêm thanh quản có thể tiến triển trong thời gian ngắn (dưới 3 tuần) được gọi là viêm thanh quản cấp. Viêm thanh quản có thể diễn biến kéo dài (trên 3 tuần) gọi là viêm thanh quản mạn tính.
Viêm thanh quản cấp có biểu hiện lâm sàng khác nhau theo lứa tuổi mắc bệnh nên được chia ra: viêm thanh quản cấp ở trẻ em và viêm thanh quản cấp ở người lớn.
Viêm thanh quản mạn tính được chia ra: Viêm thanh quản mạn tính xuất tiết thông thường, viêm thanh quản quá phát, viêm thanh quản nghề nghiệp và viêm thanh quản đặc hiệu…
2. VIÊM THANH QUẢN CẤP
Viêm thanh quản cấp là tình trạng viêm niêm mạc của thanh quản. viêm thanh quản cấp có rất nhiều nguyên nhân khác nhau và biểu hiện lâm sàng cũng rất khác nhau tuỳ theo từng loại nguyên nhân, thường được chia ra: viêm thanh quản cấp ở trẻ em và viêm thanh quản cấp ở người lớn. Nhưng thông thường hay gặp viêm thanh quản cấp ở trẻ em, hiếm gặp viêm thanh quản cấp ở người lớn.
2.1. Viêm thanh quản cấp ở trẻ em
Thường gặp ở trẻ từ 1-6 tuổi, xảy ra khi thay đổi thời tiết hoặc ở mùa lạnh.
2.1.3. Nguyên nhân:
Hay gặp các nguyên nhân nhiễm khuẩn, một hay nhiều loại. Ngày nay, các nguyên nhân do vius ngày càng gặp nhiều hơn. Các loại vius thường gặp như là: influenza, vius A.P.C. v.v. ..
Niêm mạc thanh quản trẻ em rất dễ phù nề đặc biệt là vùng dưới niêm mạc, ở trẻ dưới 1 tuổi, nếu niêm mạc thanh quản phù nề 1mm thì đường kính của thanh quản bị hẹp còn một nửa, nên khó thở thanh quản hay gặp trong viêm thanh quản cấp ở trẻ nhỏ.
2.1.2. Triệu chứng:
Triệu chứng cơ năng: Thể điển hình là viêm thanh quản cấp đơn thuần: thường gặp do cúm với các triệu chứng cơ năng như khàn tiếng, ho, nhưng không có khó thở. Không có triệu chứng toàn thân.
Triệu chứng thực thể: Khám thanh quản thường thấy viêm phù nề đỏ ở vùng thượng thanh môn. Tiền đình thanh quản và hai dây thanh xung huyết đỏ.
2.1.3. Chẩn đoán:
2.1.3.1. Chẩn đoán xác định: Khàn tiếng đi kèm với các triệu chứng của cảm cúm như hắt hơi, chảy mũi, đau họng. Soi thanh quản thấy xung huyết phù nề ở thượng thanh môn, tiền đình thanh quản và dây thanh.
2.1.3.2. Các thể lâm sàng
Viêm thanh quản cấp tính ngạt thở: Biểu hiện theo nhiều bệnh cảnh khác nhau, thường gặp nhất là viêm thanh quản hạ thanh môn.
Viêm thanh quản hạ thanh môn.
Viêm thanh quản hạ thanh môn là bệnh lí gặp ngày càng tăng, chủ yếu ở trẻ nhỏ 1-3 tuổi.
Là một cấp cứu trong tai mũi họng vì hay gây ra khó thở thanh quản, dễ đưa tới biến chứng viêm đường hô hấp dưới. Bệnh thường xuất hiện trong hoặc sau quá trình viêm nhiễm ở mũi họng, hoặc cũng có thể không có tiền triệu.
Nguyên nhân thường do vi rút: Myxovirus, virus á cúm (parainfluenza)… Cũng có trường hợp do vi khuẩn như liên cầu tan huyết nhóm A, tụ cầu vàng, phế cầu và Hemophylus influenzae, thường tiến triển rất nặng.
Thể điển hình: Viêm thanh quản hạ thanh môn thường phát hiện vào ban đêm, trên một trẻ nhỏ đang bị viêm mũi họng thông thường, tiến triển từ từ và đột nhiên xuất hiện khó thở thanh quản: khó thở chậm, khó thở vào, có tiếng rít và co kéo cơ hô hấp. Tiếng ho cứng và ông ổng, giọng nói gần như bình thường nhưng sau đó trở nên trầm và cứng hơn.
Trẻ có sốt vừa 38-38,5C. Chẩn đoán xác định rất khó trong trường hợp này vì không soi được thanh quản trực tiếp, không biểu hiện trên điện quang.
Xử lí:
Liệu pháp corticoid: solumedrol 0,5 mg/kg/ngày hoặc depersolon 1mg/kg/ngày.
Cho thở không khí ấm và ẩm.
Kháng sinh phòng bội nhiễm.
Tránh khám và vận động trẻ nhiều dẫn đến tình trạng khó thở nặng hơn phải mở khí quản.
Không được dùng thuốc an thần, giảm đau.
Phải theo dõi sát tình trạng khó thở.
Nếu tình trạng khó thở giảm thì tiếp tục điều trị kháng sinh, corticoid đường uống.
Hạ sốt nếu cần thiết.
Điều trị viêm mũi họng bằng nhỏ mũi.
Những thể không đáp ứng với corticoid, thường là do vi khuẩn, bệnh nhân phải được nằm viện và theo dõi chặt chẽ, nếu khó thở tiến triển theo chiều hướng nặng thêm phải đặt nội khí quản theo đường mũi hoặc tốt nhất là mở khí quản.
Viêm thanh quản co thắt hoặc viêm thanh quản giả bạch hầu.
Viêm và phù nề khu trú ở vùng hạ họng. Co thắt thanh quản gây ra các cơn khó thở, thường xảy ra nửa đêm về sáng, cơn khó thở và ngạt thở, thở rít, giọng khàn, ho ông ổng, co kéo cơ hô hấp và các cơ liên sườn, cơn khó thở có thể qua đi trong nửa giờ nhưng cũng có thể tái diễn cơn khó thở khác. Không sốt, không có dấu hiệu toàn thân khác.
Viêm thanh quản thượng thanh môn (viêm thanh thiệt).
Thanh thiệt bị sưng nề, bệnh nhân có nuốt đau, khó thở, tăng tiết nhiều nước bọt, cổ ngả về phía trước, khó thở tăng khi nằm ngửa.
Viêm thanh quản bạch hầu.
Viêm thanh quản bạch hầu ngày càng hiếm gặp nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng.
Nguyên nhân do vi khuẩn Loeffler xâm nhập vào thanh quản gây phù nề và loét có màng giả. Bệnh thường thứ phát sau bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản nguyên phát rất hiếm.
Triệu chứng: Trẻ bị bạch hầu họng thông thường có sốt nhẹ, đau họng có hạch cổ, da mặt tái xanh, sau đó xuất hiện khàn tiếng.
Giai đoạn đầu: trẻ ho khan, tiếng ho trong, tiếng nói khàn. Khó thở khi gắng sức (khó thở thanh quản độ I).
Giai đoạn thứ 2: trẻ mất tiếng hoàn toàn và tiếng ho rè, bệnh nhân khó thở thanh quản độ 2 điển hình (khó thở chậm, khó thở vào và có tiếng rít thanh quản rõ. Khó thở thường kèm theo những cơn co thắt làm cho bệnh nhân ngạt thở, trợn mắt, tím tái người.
Giai đoạn thứ 3: Ngoài triệu chứng khó thở bệnh nhân còn có triệu chứng nhiễm độc và suy nhược các trung tâm hô hấp. Bệnh nhân nằm lả người, thở nhanh và nông, không còn tiếng rít, co lõm cũng giảm. Toàn thân trẻ xanh nhợt, đầu ngón tay chân đều tím và lạnh, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, khó thở cấp 3 và nhiễm độc.
Tiên lượng rất nặng, nếu không được điều trị bệnh bạch hầu sẽ đưa tới tử vong vì ngạt thở, vì truỵ tim mạch do nhiễm độc và phế quản phế viêm.
2.2. Viêm thanh quản cấp ở người lớn (Thể điển hình là viêm thanh quản cấp xuất tiết thông thường.)
2.2.1. Đại cương: Bệnh hay gặp về mùa rét. Bệnh tích thường lan từ mũi họng xuống thanh quản hoặc ngược lại. Nguyên nhân chủ yếu là do vius, gặp ở nam nhiều hơn nữ.
2.2.2. Triệu chứng:
Toàn thân: thường bắt đầu bằng cảm giác ớn lạnh, gai rét, đau mình mảy giống như triệu chứng của cúm. Hiếm khi gặp sốt thực sự.
Cơ năng: bắt đầu là cảm giác khô họng, nuốt rát. Tiếng nói trở nên khàn và có khi mất hoàn toàn. Kèm theo đó bệnh nhân có ho, lúc đầu ho khan không có đờm, sau ho có ít đờm trắng trong. Nếu có kèm theo viêm khí phế quản thì sẽ có nhiều đờm, có màu vàng hoặc xanh.
Triệu chứng thực thể:
Niêm mạc xung huyết: thanh thiệt, băng thanh thất và dây thanh hai bên đỏ, xung huyết.
Thanh thiệt, sụn phễu, khe liên phễu phù nề làm cho dây thanh hai bên không khép kín khi phát âm.
Tăng xuất tiết ở thanh quản, có nhiều dịch ở mép sau, mặt trên hai dây thanh.
Nếu không điều trị bệnh có thể giảm dần sau 3-4 ngày, sau 1 tuần hoặc 10 ngày giọng có thể trong trở lại, nhưng có khi bệnh không tự khỏi mà dẫn tới viêm khí quản, viêm phế quản.
2.2.3. Chẩn đoán.
Chẩn đoán xác định: triệu chứng cơ năng quan trọng nhất là khàn tiếng kèm theo ho, chảy mũi, đau họng. Khám thanh quản thấy niêm mạc xung huyết, phù nề, tăng xuất tiết ở thanh quản.
Chẩn đoán phân biệt:
Viêm mũi họng cấp: bệnh nhân có ngạt, chảy mũi, ho có thể có khàn tiếng do ho nhiều, khi soi thanh quản không thấy hiện tượng xung huyết, phù nề ở thượng thanh môn mà chỉ thấy phù nề nhẹ ở dây thanh hai bên.
2.2.4. Thể lâm sàng
Viêm thanh quản cúm.
Là viêm thanh quản do vius cúm đơn thuần hoặc vius cúm phối hợp với vi khuẩn. Bệnh ít khi khu trú ở thanh quản mà thường lan tràn đến khí quản và phế quản.
Triệu chứng: viêm thanh quản do cúm tiến triển thất thường tuỳ theo các loại vi khuẩn phối hợp gây bệnh và tuỳ theo sức đề kháng của từng cá thể.
Thể xuất tiết: Triệu chứng giống viêm thanh quản xuất tiết thông thường, nhưng thường bệnh nhân có sốt, mệt mỏi kéo dài. Khám thanh quản đôi khi thấy có các điểm xuất huyết dưới niêm mạc. Đó là dấu hiệu đặc hiệu của viêm thanh quản cúm.
Thể phù nề: Đó là giai đoạn tiếp theo của xuất tiết. Phù nề thường khu trú ở thanh thiệt và mặt sau sụn phễu. Bệnh nhân nuốt rất đau và đôi khi có khó thở, tiếng nói ít thay đổi.
Thể loét: soi thanh quản sẽ thấy có những vết loét nông, bờ đỏ, sụn phễu và sụn thanh thiệt bị phù nề.
Thể viêm tấy:
- Triệu chứng toàn thân nặng: sốt cao, mạch nhanh, mặt hốc hác.
- Triệu chứng cơ năng rõ rệt, khó nuốt, đau họng nhói lên tai, giọng khàn đặc hoặc mất hẳn, khó thở thanh quản.
- Triệu chứng thực thể: vùng trước thanh quản viêm tấy, sưng to, ấn đau. Sau khi hết viêm, bệnh để lại di chứng sẹo hẹp thanh quản.
Thể hoại tử: màng sụn bị viêm và bị hoại tử. Các tổ chức liên kết lỏng lẻo ở cổ bị viêm tấy cứng hoặc viêm tấy mủ. Thanh quản bị xưng to và có màng giả che phủ. Bệnh nhân khó nói, nuốt đau và khó thở. Triệu chứng toàn thân rầm rộ: nhiệt độ cao, mạch nhanh, yếu, thở nhanh nông, huyết áp thấp, nước tiểu có albumin.. Tiên lượng rất xấu, bênh nhân thường tử vong do phế quản phế viêm, truỵ tim mạch.
2.2.5. Điều trị.
Quan trọng nhất là kiêng nói. Tránh lạnh.
Khí dung mũi họng bằng các loại tinh dầu, kháng sinh kết hợp hidrocortison…
Bơm thuốc thanh quản bằng các thuốc giảm viêm như hidrocortison, -chymotrypsin…
Thuốc toàn thân: Các thuốc giảm ho, đặc biệt là kháng histamin thế hệ I, II.
Vitamin, hoa quả tươi để nâng cao sức đề kháng.
3. VIÊM THANH QUẢN MẠN TÍNH
3.1. Đại cương: Viêm thanh quản mạn tính là tình trạng viêm nhiễm thông thường ở thanh quản tiến triển kéo dài, quá trình viêm này có thể dẫn tới quá sản, loạn sản hoặc teo niêm mạc thanh quản.
3.2. Nguyên nhân.
Là một bệnh thường gặp do rất nhiều yếu tố thuận lợi.
3.2.1. Do phát âm: Sử dụng giọng không đúng, quá lạm dụng sử dụng giọng (nghề giáo viên, ca sĩ, bán hàng…).
3.2.2. Do bệnh lí của đường hô hấp: như viêm mũi xoang, viêm họng, viêm Amidan…
Hít phải khí độc như khói thuốc lá, hoá chất.
Khí hậu ẩm ướt, thay đổi quá nhiều nhiệt độ trong ngày, một số nghề nghiệp làm việc ngoài trời, nghề nấu ăn, làm thuỷ tinh…
3.2.3. Do các bệnh toàn thân như: bệnh goutte, bệnh gan, tiểu đường, béo phì…
3.3. Tổn thương mô bệnh học.
Trong giai đoạn đầu niêm mạc bị xung huyết, các tế bào trụ mất lông chuyển và biến thành dạng tế bào dẹt.
Sang giai đoạn sau, biểu mô bị thoái hoá, trở nên dẹt ở nơi bị che kín và dày ở những nơi bình thường có biểu mô lát.
3.4. Triệu chứng.
3.4.1. Triệu chứng toàn thân: nhìn chung không có dấu hiệu toàn thân.
3.4.2. Triệu chứng cơ năng: đầu tiên tiếng nói không vang, làm cho bệnh nhân phải cố gắng nhiều mới nói to được. Về sau tiếng nói bị rè, khàn và yếu. Nhìn chung khàn tiếng là dấu hiệu quan trọng nhất, khàn tiếng kéo dài lúc tăng lúc giảm kèm theo ho, đôi khi có kèm cảm giác nói đau. Bệnh nhân luôn phải dặng hắng cho giọng nói được trong, nhiều khi bệnh nhân có ho khan vào buổi sáng do chất nhầy xuất tiết bám ở thanh quản. Ngoài ra còn có cảm giác ngứa, cay và khô rát ở thanh quản.
4.4.3. Triệu chứng thực thể.
Tiết nhày: chất nhày hay đọng lại ở một điểm cố định, điểm giữa phần ba trước và phần ba giữa của dây thanh, đó chính là vị trí hình thành nên hạt xơ nếu quá trình viêm nhiễm tiếp tục kéo dài. Khi bệnh nhân ho thì chất nhày trên mất đi, nhìn thấy tổn thương xung huyết ở vị trí trên.
Dây thanh cũng bị thương tổn, ở mức độ nhẹ, niêm mạc dây thanh bị xung huyết đỏ, mạch máu dưới niêm mạc bị gin làm toàn bộ dây thanh bị đỏ, có khi nhìn thấy những tia đỏ. ở mức độ nặng, dây thanh bị quá sản và tròn như sợi dây thừng, niêm mạc hồng, đỏ, mất bóng. Băng thanh thất cũng quá phát to và che kín dây thanh khi phát âm.
Trong trường hợp viêm thanh quản lâu ngày có thể thấy được đường vằn hoặc kẻ dọc trên mặt thanh đai.
Nếu viêm thanh quản do tiểu đường, thấy niêm mạc ở màn hầu và họng cũng dày và xuất tiết.
3.5. Chẩn đoán
3.5.1. Chẩn đoán xác định: Triệu chứng cơ năng quan trọng nhất là khàn tiếng. Soi thanh quản thấy có dịch nhày quánh ở giữa 1/3 trước và 2/3 sau của dây thanh, niêm mạc dây thanh xung huyết đỏ, phù nề. Cũng có thể thấy niêm mạc dây thanh dày lên, hoặc tạo thành hạt xơ.
3.5.2. Chẩn đoán phân biệt:
Khối u ở thanh quản: u nang, polip, papilom, ung thư thanh quản. Thường khàn tiếng từ từ tăng dần, mức độ khàn nặng hơn, soi thanh quản và sinh thiết khối u cho chẩn đoán chắc chắn.
Liệt thần kinh hồi quy: xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, sặc các chất lỏng vào phổi, mức độ khàn tiếng nặng, mất tiếng.
3.5.3 Thể lâm sàng: viêm thanh quản nghề nghiệp
Những người sử dụng giọng nhiều như ca sĩ, giáo viên, bán hàng thường bị viêm thanh quản nghề nghiệp do sử dụng giọng quá sức, hoặc những người làm việc ở những nơi nhiều bụi, nhiều khói, nhiều gió, hoặc hát không hợp với lĩnh vực âm của mình.
Trong giai đoạn đầu, cường độ của tiếng nói giảm, bệnh nhân không nói to được. Nếu bệnh nhân gắng sức nói to thì giọng sẽ bị lạc, đau ở vùng thanh quản khi nói.
Soi thanh quản thấy niêm mạc đỏ, rung động niêm mạc bị hạn chế, nếu nghỉ giọng trong thời gian ngắn, thanh quản hết viêm đỏ, giọng bệnh nhân trở lại bình thường. Nếu không nghỉ giọng, không học cách hát đúng lĩnh vực âm của mình, bệnh diễn biến thành viêm thanh quản mạn tính tái phát hoặc phát triển thành hạt xơ dây thanh.
Hạt xơ là loại u nhỏ bằng hạt tấm nhỏ (dường kính khoảng bằng hoặc nhỏ hơn 1mm) mọc ở bờ tự do của dây thanh, thường hay ở vị trí giữa 1/3 trước và 1/3 giữa của hai dây thanh. Khi phát âm hai hạt xơ ở hai bên dây thanh sẽ tiếp xúc với nhau, làm cho dây thanh ở phía trước và phía sau không tiếp xúc được với nhau gây ra khàn tiếng.
3.6. Điều trị.
Trước tiên là điều trị các ổ viêm mũi họng, viêm xoang. Điều trị tại chỗ là chủ yếu: khí dung hoặc bơm thuốc thanh quản các thuốc giảm, viêm giảm phù nề như corticoid, - chymotrypsin…
Điều trị toàn thân bằng thuốc giảm viêm giảm phù nề đường uống như corticoid, serratiopeptidase….
3.7. Phòng bệnh
Khi bị viêm thanh quản cấp, cần điều trị triệt để.
Điều trị các viêm nhiễm ở họng, ở mũi, ở xoang.
Tránh tiếp xúc các hơi khí, hoá chất độc, xử dụng giọng hợp lí, nghỉ giọng khi có viêm nhiễm mũi họng và viêm đợt cấp.
Viêm thanh quản cấp hạ thanh môn
Khó thở thanh quản.
Viêm thanh quản mn tính.
Khàn tiếng kéo dài.
Viêm thanh quản nghề nghiệp
CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ.
1. Kể ra các nguyên nhân của viêm thanh quản cấp thông thường.
2. Nêu lên triệu chứng của viêm thanh quản cấp ở trẻ em.
3. Kể ra các thể lâm sàng của viêm thanh quản cấp.
4. Kể các triệu chứng của viêm thanh quản hạ thanh môn và hướng xử trí.
5. Kể các triệu chứng của viêm thanh quản mạn tính.
6. Kể ra các phương pháp phòng tránh viêm thanh quản mạn tính.
Chỉnh sửa lần cuối: 12 năm trước (01:17 AM 07/03/2013)
Dịch vụ | Giới thiệu | Hỏi đáp Online | Thư viện điện tử | Phòng khám |