BÀI 15. CÁC HỘI CHỨNG LỚN HỌNG VÀ THANH QUẢN
MỤC TIÊU
1. Viết được giải phẫu, sinh lý ứng dụng riêng biệt của họng và thanh quản.
2. Mô tả đủ, đúng các triệu chứng thường gặp về họng và thanh quản.
3. Trình bày sự phân bố và tầm quan trọng của các triệu chứng hay gặp.
4. Kể ra được một số bệnh hay gặp có các triệu chứng nêu trên.
5. Trình bầy được hướng xử trí ban đầu một số bệnh thường gặp ở họng, thanh quản.
1. SƠ LƯỢC VỀ GIẢI PHẪU HỌNG - THANH QUẢN
1.1 Giải phẫu họng
Họng được chia ra làm 3 phần: Họng mũi, họng miệng và hạ họng.
1.1.1. Họng mũi: từ nóc vòm đến ngang tầm với lưỡi gà. Phần này bao gồm:
Phần trên và sau có amiđan Luschka mà sau này nếu bị bệnh thành V.A (Végétations Adenoides) liên tiếp là mảnh nền xương chẩm và đốt sống cổ.
Hai bên có 2 lỗ của loa vòi, xung quanh nó là tổ chức tân gọi là amiđan vòi; qua đó liên quan tới tai giữa.
Phía trước là hai cửa của lỗ mũi sau.
1.1.2. Họng miệng:
Là phần liên tiếp với họng mũi cho tới mặt phẳng ngang qua đáy lưỡi.
Phía trước liên quan đến đáy lưỡi và khoang miệng đáy lưỡi có tổ chức âmiđan.
Hai bên có hai khối tổ chức tân là amiđan khẩu cái, là tổ chức tân to nhất trong vòng bạch huyết Waldeyer.
Phía sau là thành sau họng qua khoảng này liên quan tới cột sống cổ. Trong khoảng này có nhiều hạch bạch huyết tụ tập thành những đám hạch Gillette, khi bị viêm hóa mủ trở thành áp xe thành sau họng, nhất là trẻ từ 1 - 3 tuổi.
1.1.3. Hạ họng:
Tiếp phần họng miệng đến miệng thực quản.
Phía trước liên quan hố lưỡi, thanh nhiệt, đáy lưỡi, sụn thanh thiệt, một phần cấu trúc thanh quản.
Phía sau liên tiếp với khoang sau họng.
Hai bên là xoang lê chạy vào miệng thực quản.
1.1.4. Thần kinh chi phối
Cảm giác: Thần kinh V, một phần thần kinh IX, X
Vận động : nhánh vận động TK IX, X.
1.2 Giải phẫu thanh quản
Gồm hai phần:
Phần sụn: sụn giáp, sụn nhẫn, sụn phễu, sụn thanh thiệt.
Các sụn liên kết với nhau bởi các dây chằng, cân, cơ.
Phía trong thanh quản được lót bởi lớp niêm mạc, dưới niêm mạc là tổ chức liên kết lỏng lẻo, đàn hồi, rất dễ bị phù nề khi viêm.
2. NHỮNG CHỨC NĂNG CHỦ YẾU CỦA HỌNG - THANH QUẢN
2.1 Chức năng nuốt:
Cơ chế của nuốt rất phức tạp do nhiều bộ phận tham gia vào như các cơ xiết họng, màn hầu và lưỡi gà, đáy lưỡi, băng thanh thất khép lại, 2 dây thanh đóng lại. Sự điều hòa hoạt động của nuốt nhịp nhàng nhờ có sự phối hợp của thần kinh IX, X, XI, XII có sự điều hòa của tiểu no.
2.2 Chức năng thở
Không khí qua mũi, thanh quản ở thanh môn là chỗ hẹp nhất của thanh quản. Những bệnh lý làm tổn thương vùng này gây hẹp đường thở, dẫn tới khó thở.
2.3 Chức năng phát âm
Đây là cơ sở cho việc hình thành tiếng nói. Có nhiều bộ phận tham gia vào quá trình phát âm như nơi chứa hơi là phổi, luồng không khí phát ra làm rung 2 dây thanh, khoang cộng hưởng họng, miệng, mũi - xoang, bộ phận phân tiết phát âm gồm lưỡi, môi, răng… thì mới hình thành được tiếng nói như bình thường.
2.4 Chức năng nghe
Vòi nhĩ tham gia vào cơ chế nghe, đóng vai trò điều hòa không khí giữa tai ngoài và tai giữa, làm cho màng nhĩ luôn ở tư thế dễ rung nhất, nên sự chuyển tải rung động của âm thanh từ tai ngoài - màng nhĩ - cửa sổ được dễ dàng.
Mỗi khi nuốt nước bọt, loa vòi lại mở ra, không khí lại lên tai.
2.5 Chức năng bảo vệ
Vòng bạch huyết Waldeyer tham gia vào cơ chế miễn dịch tạo kháng thể bảo vệ cơ thể.
Nhờ có ho mà các chất xuất tiết ở phế quản và phổi được tống ra ngoài .
Nhờ thanh quản co thắt cùng các bộ phận làm ho mạnh nhằm tống dị vật ra bên ngoài…
3. CÁC RỐI LOẠN CHỨC NĂNG CỦA HỌNG VÀ THANH QUẢN
3.1 Các rối loạn về nuốt
3.1.1. Nuốt đau
Vị trí đau một phần nào gợi ý cho những tổn thương
Đau 2 bên góc hàm gợi ý cho viêm amiđan cấp, áp xe quanh amiđan.
Đau sâu phía sau: áp xe thành sau họng.
Đau ở một vị trí nhất định: dị vật họng.
Đau ở ngực lan ra hai vai: tổn thương ở thực quản do dị vật, bỏng thực quản do bệnh trào ngược.
Đau từ từ tăng dần kèm theo nuốt nghẹn có thể do khối u, viêm loét.
Vị trí đau cũng có khi không tương xứng với tổn thương khi tổn thương ở vùng mà cùng chung thần kinh chi phối như tổn thương ở hạ họng đau nhói lên tai.
3.1.2. Nuốt sặc
Sặc lên mũi có thể do liệt màn hầu, hoặc hở hàm ếch.
Sặc vào thanh quản do tổn thương thanh quản; liệt thanh quản, giảm cảm giác do tổn thương thần kinh thanh quản trên, hay liệt hồi quy.
3.1.3. Nuốt vướng
Cấp tính: do dị vật, do chấn thương
Từ từ do sẹo hẹp đường ăn
Vướng từng lúc: do co thắt thực quản.
3.1.4. Nuốt nghẹn
Nguyên nhân thực thể như khối u, chấn thương, liệt thần kinh IX, X.
Có thể đây là cảm giác chủ quan, vẫn ăn uống bình thường nhưng nuốt nước bọt nghẹn hay gặp trong tuổi già, do nhược giáp. Mặc dù vậy chúng ta phải khám kỹ trước khi nghĩ đến đây là dấu hiệu cơ năng.
3.2 Những rối loạn về thở
3.2.1. Do họng.
Do viêm nhiễm ở họng như áp xe thành sau họng, áp xe quanh amiđan nhất là thể trụ sau.
Amiđan quá phát khó thở khi nằm
Các khối u họng miệng hay hạ họng
Dị tật bẩm sinh trong hội chứng Pière Robin.
3.2.2. Do thanh quản
Ở tai mũi họng khó thở thanh quản là quan trọng nhất. Phải phân loại đúng và xử trí kịp thời.
Đó là loại khó thở chậm, khó thở thì thở vào, có tiếng rít, có hiện tượng co kéo các cơ hô hấp và có các động tác phụ như há miệng, nhăn mặt, ngửa đầu ra sau cố để mà thở. Tuy vậy tùy từng mức độ mà các biểu hiện có khác nhau.
Do viêm thanh quản cấp phù nền hạ thanh môn.
Khó thở do dị vật, do chấn thương thanh quản.
3.3 Những rối loạn về phát âm
3.3.1. Do mũi
Tắc mũi:
Nói giọng mũi kín như ta bịt mũi rồi nói, do V.A.
Nói giọng mũi hở, khi phát âm chữ “Kê” nói thành “Hê”do liệt màn hầu, hở hàm ếch.
3.3.2. Do họng miệng hoặc hạ họng
Khối u làm cho nói giọng ngậm hạt thị…
3.3.3. Do thanh quản
Khàn tiếng do viêm thanh quản, mất tiếng
Do liệt thanh quản 1 bên, nói giọng đôi
Tiếng phều phào do lao thanh quản.
Tiếng khàn, cứng như gõ gỗ do ung thư thanh quản.
Khàn tiếng, kéo dài do papilloma, u máu, polip, hạt sơ dây thanh, bạch sản thanh quản.
Họng mũi, họng miệng, hạ họng
Thở, nuốt, phát âm, bảo vệ.
Các rối loạn về nuốt
Các rối loạn về phát âm.
Khó thở thanh quản.
Hình 11: Sơ đồ các nhóm hạch chính ở cổ và đầu
Hình 12: Cách khám hạch cổ
A. Khám hạch cảnh trong
B. Khám hạch dưới cằm
C. Khám hạch trên đòn
CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ
1. Kể những mốc giải phẫu chính của họng.
2. Nêu liên quan của họng đến các thành phần kế cận khác.
3. Nêu các chức năng chính của họng.
4. Nêu những chức năng chính của thanh quản.
5. Trình bày các triệu chứng thường gặp ở họng
6. Trình bày những triệu chứng chính ở thanh quản.
7. Kể một số bệnh thường gặp ở họng.
8. Kể một số bệnh thường gặp ở thanh quản.
9. Trình bày đại cương hướng xử trí một số bệnh ở họng.
10. Trình bày hướng xử trí một số bệnh ở thanh quản.
Chỉnh sửa lần cuối: 12 năm trước (01:17 AM 07/03/2013)
Dịch vụ | Giới thiệu | Hỏi đáp Online | Thư viện điện tử | Phòng khám |