BÀI 10. VIÊM MŨI CẤP
MỤC TIÊU HỌC TẬP:
1. Kể ra được các nguyên nhân thường gặp của bệnh viêm mũi cấp tính thông thường
2. Mô tả được các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm mũi cấp tính
3. Trình bày đúng hướng xử trí trước một bệnh nhân bị viêm mũi cấp tính
4. Nêu lên được một số nguyên tắc về phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu đối với bệnh nhân viêm mũi cấp tính
1. ĐẠI CƯƠNG
Viêm mũi cấp tính là một bệnh rất thường gặp ở nước ta, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi, rất hay gặp khi thời tiết thay đổi hay mùa lạnh.
Viêm mũi cấp tính bao gồm: Viêm mũi cấp tính thông thường, viêm mũi cấp tính trong các bệnh nhiễm trùng lây và viêm mũi cấp tính ở hài nhi.
Viêm mũi cấp tính thông thường, nguyên nhân hay gặp là do virus, bệnh tiến triển nhanh 5 - 7 ngày rồi tự khỏi nên còn được gọi là viêm mũi cấp lành tính.
Viêm mũi cấp tính trong các bệnh nhiễm trùng lây thường hay gây biến chứng. Vì vậy, trong điều trị cần điều trị bệnh nhiễm trùng lây là chủ yếu và kết hợp nhỏ mũi.
Viêm mũi cấp tính ở hài nhi có thể dẫn đến tử vong do sặc, ngạt thở hoặc viêm phổi nhất là ở trẻ bị suy dinh dưỡng.
2. VIÊM MŨI CẤP TÍNH THÔNG THƯỜNG
2.1. Nguyên nhân
Do virus là nguyên nhân hay gặp và thường gặp nhiều loại, chú yếu là Adenovirus, loại virus này cũng thường gây viêm họng.
Do vi khuẩn: viêm họng, viêm amidan, viêm VA
Do các chất kích thích hay chất dễ gây dị ứng (dị nguyên).
Do thời tiết thay đổi: lạnh, ẩm kéo dài…
Các yếu tố thuận lợi: cơ thể suy yếu, kém dinh dưỡng, nhiễm lạnh đột ngột.
2.2. Triệu chứng lâm sàng
2.2.1. Triệu chứng toàn thân:
Người bệnh thường có cảm giác người mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc gai rét, ớn lạnh, nhức đầu và ăn, ngủ kém.
2.2.2. Triệu chứng cơ năng
Cảm giác nóng, cay hoặc ngứa mũi
Ngạt tắc mũi, thường ngạt tắc 2 bên, có khi chỉ có một bên, ngạt tăng nhiều về ban đêm, bệnh nhân phải thở bằng miệng.
Chảy nước mũi: thường là chảy hai bên, lúc đầu dịch trong, sau trở thành dịch nhầy, có thể thành mủ. Nếu xì mạnh thường có lẫn ít máu tươi.
Ngửi kém hoặc mất ngửi do ngạt tắc mũi gây ra. Khi bệnh nhân thở thông, chức năng ngửi lại trở nên bình thường.
2.2.3. Triệu chứng thực thể
Soi mũi trước thấy miêm mạc hốc mũi xung huyết, đỏ sau thành nề sũng.
Sàn mũi và khe dưới có dịch nhầy hay mủ ứ đọng, khe giữa không có mủ.
Cuốn mũi dưới 2 bên thường bị sưng nề, đỏ, che kín cửa mũi trước, nếu đặt thuốc co mạch, cuốn dưới co hồi tốt và bệnh nhân lại thở thông.
2.3. Diễn biến
Bệnh thường diễn biến từ 5 - 7 ngày rồi lui dần và tự khỏi. Tuy nhiên nếu cơ thể bị suy nhược, vi khuẩn bội nhiễm, quá trình viêm có thể kéo dài và lan ra đường hô hấp, gây nên các biến chứng nặng nề hơn như: Viêm thanh quản, viêm phế quản hoặc viêm xoang hàm, viêm tai giữa.
2.4. Xử lý
Nghỉ ngơi, giữ ấm và nâng cao thể trạng là chủ yếu.
Chống ngạt tắc mũi bằng cách xì mũi hay hút, rửa mũi để làm sạch các chất dịch tiết và mủ, nhỏ các thuốc co mạch như: Ephedrin 1- 3%, Naphazolin 0,5 - 1‰ hay các dung dịch khác như Sulfarin, oxy methazolin, Nacl 9‰…
Nhỏ các thuốc sát trùng nhẹ: các dung dịch kháng sinh, argyrol 1 - 3%…
Xông hơi bằng các thuốc có tinh dầu như tinh dầu bạc hà, khuynh diệp…
Khí dung mũi: bằng các dung dịch kháng sinh, phối hợp với coticoid…
Dùng các thuốc điều trị triệu chứng khác như chống đau đầu, giảm ho…
Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm hoặc biến chứng.
2.5. Phòng bệnh
Tránh bị lạnh hay ẩm đột ngột hoặc kéo dài
Giữ gìn vệ sinh mũi họng tốt, nhỏ mũi bằng các dung dịch Nacl 9‰ hàng ngày, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bụi, xúc họng bằng các dung dịch kiềm.
Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích thích: cay, nồng, hơi kiềm mạnh, bụi và khí axít…
Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng: viêm Amidan, viêm VA…
3. VIÊM MŨI CẤP TRONG CÁC BỆNH NHIỄM TRÙNG LÂY
Các bệnh nhiễm trùng lây như: Cúm, sởi, bạch hầu, thương hàn… thường hay kèm theo viêm mũi, nhất là ở trẻ em, ở người lớn, triệu trứng viêm mũi thường không rõ rệt.
3.1. Triệu chứng lâm sàng
3.1.1. Viêm mũi cấp do cúm
Các triệu chứng ở mũi thường có sớm như: ngứa mũi, cay trong mũi, hắt hơi, ngạt tắc mũi tăng dần, chảy nước mũi long và trong, có thể lẫn ít máu khi xì mạnh. Quá trình viêm lan rộng xuống họng, thanh quản gây ra ho từng cơn, khàn tiếng.
Các triệu chứng toàn thân thường rõ rệt như: sốt cao, đau mình mẩy, mệt mỏi, nhức đầu… ở hài nhi có thể biểu hiện hội chứng nhiễm độc thần kinh, nôn mửa, ỉa chảy và dễ dẫn đến tử vong trong vòng 48 giờ.
Viêm mũi do cúm thường tràn lan rất nhanh và gây thành dịch.
Bệnh tiến triển trong vài ba ngày rồi tự lui dần nhưng cũng có thể gây ra các biến chứng như: viêm thanh quản phù nề hạ thanh môn, viêm tai xương chũm, viêm no, viêm xoang…
Để chẩn đoán bệnh cúm, cần dựa vào phản ứng ức chế ngưng kết hình cầu của Hirst: virus cúm làm ngưng kết hồng cầu gà, nếu cho huyết thanh bệnh nhân có kháng thể cúm vào môi trường có virus cúm và hồng cầu gà thì hồng cầu gà không bị ngưng kết, phản ứng dương tính.
3.1.2. Viêm mũi cấp do sởi
Cũng như bệnh cúm, bệnh sởi thường có biểu hiện sớm ở mũi: hắt hơi, chảy mũi, ngạt tắc mũi tăng dần…
Các triệu chứng kèm theo: sốt, chảy nước mắt,ầmngf tiếp hợp đỏ, phù nề mi mắt.
Khám họng có thể thấy triệu chứng đặc hiệu Koplix: niêm mạc má đỏ bầm, xung quanh lỗ Stenon có những chấm trắng nhỏ.
Bệnh có thể lan tràn thành dịch. Khi sởi bay thì các triệu chứng ở mũi cũng tự khỏi, nhưng cũng có thể gây ra biến chứng: viêm mũi mn tính, viêm loét vùng cửa mũi gây sơ và sẹo, các biến chứng của đường hô hấp trên và dưới.
3.1.3. Viêm mũi do bạch hầu: thường xuất hiện sau bạch hầu họng
Triệu chứng ở mũi thường là: ngạt tắc mũi cả hai bên, chảy nước mũi nhầy, dính và có lẫn máu, quệt dịch mũi xét nghiệm có thể tìm thấy trực khuẩn Loeffler.
Triệu chứng nhiễm trùng và nhiễm độc rất rõ ràng: sốt không cao, da xanh tái, môi nhợt nhạt, người mệt lả.
Nếu bạch hầu lan xuống thanh quản có thể gây nên khó thở thanh quản hay ngạt thở, rồi dẫn đến tử vong.
3.2. Xử trí
Đảm bảo mũi thông thoáng bằng cách: hút dịch, xì mũi, rửa mũi…
Nhỏ thuốc co mạch, sát trùng… hoặc khí dung bằng dung dịch kháng sinh phối hợp với corticoids.
Điều trị bệnh nhiễm trùng lây là chủ yếu.
Nâng cao sức đề kháng cho bệnh nhân.
3.3. Phòng bệnh
Tiêm phòng đầy đủ
Cách ly sớm không để lây thành dịch
Nhỏ mũi hàng ngày bằng các dung dịch Nacl 9‰ hay các thuốc sát trùng
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng.
Adenovirus, vi khuẩn, dị nguyên và môi trường thời tiết.
Viêm mũi cấp thông thường.
Viêm mũi cúm, sởi, bạch hầu.
Thông báo khi có dịch lây.
CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ
Kể ra 5 nguyên nhân của viêm mũi cấp thông thường.
Trình bầy triệu chứng của viêm mũi cấp thông thường.
Cho đơn điều trị viêm mũi cấp thông thường.
Mô tả triệu chứng của viêm mũi cấp do cúm.
Mô tả triệu chứng của viêm mũi cấp do sởi.
Mô tả triệu chứng của viêm mũi cấp do bạch hầu.
Kể ra các biẹn pháp phòng tránh viêm mũi cấp trong các bệnh nhiễm trùng lây.
Chỉnh sửa lần cuối: 12 năm trước (01:17 AM 07/03/2013)
Dịch vụ | Giới thiệu | Hỏi đáp Online | Thư viện điện tử | Phòng khám |