1 :
Những cách trị viêm họng hiệu quả?
Hãy thử làm theo những lời khuyên sau để cơn đau họng không còn là nỗi ám ảnh bạn mỗi khi thời tiết chuyển lạnh.
Thời tiết chuyển lạnh sẽ khiến cơ thể bạn dễ mắc phải các chứng bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, sổ mũi, ho, viêm họng… Mỗi cơn đau họng thường kéo dài khiến bạn vô cùng khó chịu nhưng bạn cũng không biết làm sao để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng đó.Vậy thì, hãy thử làm theo những lời khuyên sau để không còn lo lắng đến những cơn đau họng nữa nhé.
Nhai tỏi sống
Trong tỏi có chứa allicin - một chất có khả năng tiêu diệt virus và vi khuẩn trong cơ thể. Đây là một chất vô cùng có lợi cho sức khỏe, nó giúp cơ thể kháng khuẩn, bớt ho, long đờm, dễ thở và khắc phục tình trạng nghẹt mũi.
Mỗi ngày, bạn nên ăn từ 2-3 tép tỏi để giữ cho cơ thể ấm áp và khắc phục tình trạng đau họng. Tuy nhiên, bạn nên cắt nhỏ tỏi ra trước khi ăn để tỏi dễ dàng chuyển hóa alliin thành allicin, không nên ăn tỏi khi đói vì như thế sẽ có hại cho dạ dày.
Súc miệng bằng dấm táoTừ lâu, dấm táo đã được dân gian sử dụng để chữa nhiều bệnh, trong đó có cả chữa đau họng. Trong dấm táo có chứa axit acetic, axit malic, nồng độ enzyme cao nên giúp cơ thể bài trừ các vi khuẩn. Hơn nữa, trong dấm táo có chứa nhiều muối khoáng giúp khử độc tố trong cơ thể.
Bạn hãy pha loãng dấm táo vào nước ấm, cho thêm một vài giọt mật ong rồi súc miệng hàng ngày, đảm bảo bạn sẽ thấy hiệu quả tức khắc, cơn đau họng sẽ nhanh chóng biến mất.
Ngậm hỗn hợp quất, mật ong
Mật ong là một vị thuốc được nhiều đời nay sử dụng. Nó rất hữu hiệu trong việc tăng sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống nhiễm trùng, chữa lành các tổn thương nội thể. Mật ong chứa hàm lượng đường cao, ngoài ra còn chứa các chất khoáng như canxi, photpho, magie và một số axit, enzym khác có tác dụng giữ ấm cơ thể.
Quất cũng là một loại quả được sử dụng nhiều trong cuộc sống. Quất có vị chua, tính ấm có tác dụng giảm ho, tiêu đờm, giải nhiệt…
Nếu có các triệu trứng như đau họng, sổ mũi, cảm cúm, bạn hãy trộn hỗn hợp quất, mật ong rồi hấp vào nồi cơm nóng 15 phút. Lấy hỗn hợp ngậm 3-4 lần/ngày, bạn sẽ thấy hiệu quả giảm đau họng rõ rệt.
Súp gà
Trời se lạnh, thưởng thức một chén súp gà thật là tuyệt.
Không chỉ ngon miệng, ăn súp gà còn là một biện pháp để giữ ấm cơ thể. Súp gà có đặc tính chống viêm, kháng virus. Ăn súp gà sẽ giúp xoa dịu cơn đau họng, tránh được tình trạng cảm cúm do nhiễm lạnh.
Trà gừng nóng
Gừng có tác dụng kháng khuẩn, sát trùng, long đờm, giảm ho, hạn chế chất nhờn gây tắc mũi.
Những người mắc bệnh viêm mũi dị ứng hoặc cảm cúm do thời tiết… nên sử dụng gừng thường xuyên hơn, bởi các hoạt chất có trong gừng tươi sẽ có tác dụng kháng histamin tức thì, cắt cơn hắt hơi, sổ mũi, giảm đau hữu hiệu.
Thời tiết đang bước vào giai đoạn lạnh kéo dài, vì vậy, mỗi ngày bạn hãy uống một ly trà gừng nóng để tăng sức đề kháng và giữ ấm cơ thể, loại bỏ các nguy cơ mắc bệnh cảm cúm, sổ mũi, viêm họng...Ngậm chanhChanh có tác dụng rất tốt trong việc chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tinh dầu trong vỏ chanh có tính sát khuẩn giúp long đờm, giảm ho, hắt hơi. Mặt khác, trong nước chanh có chứa axit citric, vitamine C, kali… nên đặc biệt thích hợp để làm nước giải khát, thanh nhiệt.
Nếu bạn đang gặp rắc rối với căn bệnh viêm họng, cảm cúm, ho… thì hãy cắt chanh thành những lát mỏng, rắc một chút muối và ngậm từ 2-3 lần/ngày nhé.
Lá húng chanh
Từ lâu, lá hung chanh đã được sử dụng phổ biến để trị ho, viêm họng, hen suyễn, lợi phế, trừ đờm, tiêu độc, giải cảm... Húng chanh chứa hợp chất phenol, salixylat eugenol… và sắc tố đỏ colein có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn.
Bạn nên giã nát lá húng chanh vào bát, cho thêm vào hạt đường phèn và chưng cách thủy. Sử dụng hỗn hợp đều đặn từ 4-5 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Súc miệng bằng nước muối ấm hàng ngày
Bạn sẽ nhận được lời khuyên này từ tất cả những người quan tâm bạn khi không may, bạn bị viêm họng. Bởi đó có lẽ là biện pháp khắc phục tốt nhất khi nói đến chữa đau họng.
Súc miệng bằng nước muối ấm giúp sát khuẩn, giảm bớt các triệu chứng viêm sưng, giảm dịch nhầy do vi khuân gây ra ở cổ họng, tăng hệ thống miễn dịch của cơ thể đặc biệt là khi tác nhân chủ yếu do không khí khô hoặc dị ứng.
2 :
Viêm mũi dị ứng và những phiền toái?
Viêm mũi dị ứng có thể gặp quanh năm nhưng bệnh thường xuất hiện nhiều hơn khi thời tiết chuyển mùa, nhất là nóng sang lạnh và bệnh dễ tái phát. Viêm mũi dị ứng tuy không gây nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh.
Ảnh minh họa. Viêm mũi dị ứng có liên quan mật thiết đến cơ địa dị ứng như viêm da dị ứng, nổi mề đay, hen suyễn, tổ đĩa, chàm. Chính vì vậy nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ (kháng nguyên hay còn gọi là dị nguyên).
Một số dị nguyên có khả năng gây nên viêm mũi dị ứng như bụi (nhất là bụi công nghiệp, bụi ở vùng có tình trạng vệ sinh kém), phấn hoa, lông chó, mèo và ký sinh trùng như bào tử nấm mốc, mò, mạt, bọ chét.
Những loại này rất phổ biến ở nước ta và chúng thường đóng vai trò như một kháng nguyên không hoàn toàn (Hapten) khi gặp kháng thể tương ứng đã có sẵn trong cơ thể thì ngay lập tức xẩy ra hiện tượng phản ứng dị ứng.
Phản ứng sẽ xẩy ra ngay ở lớp nhày niêm mạc của hệ thống đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc mũi (ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi).
Hắt hơi là một phản xạ nhanh, nhạy của cơ thể nhằm tống vật lạ (dị nguyên) ra khỏi vùng niêm mạc mà chúng vừa mới xâm nhập.
Do cơ địa dị ứng có liên quan mật thiết đến viêm mũi dị ứng cho nên cùng một tác nhân gây kích thích, dị ứng nhưng có người sẽ bị bệnh viêm mũi dị ứng nhưng cũng có người không bị.
Điều này được thể hiện rõ khi trong một gia đình có nuôi chó, mèo thì không phải mọi người đều bị viêm mũi dị ứng mà chỉ có một ít số người nào đó mắc phải mà thôi.
Đối với viêm mũi dị ứng mạn tính thì còn có thêm vai trò tác động của vi khuẩn gây bệnh, biểu hiện là nước mũi đặc, nhầy mủ, mùi tanh. Một số vi khuẩn thường gặp là S. pneumoniae (phế cầu), H. influenzae, cầu khuẩn (liên cầu, tụ cầu, não mô cầu).
Các tác nhân gây kích thích gây viêm mũi dị ứng cũng có thể theo đường hô hấp nhưng cũng có thể xâm nhập vào cơ thể theo đường khác như như qua da hoặc theo đường ăn uống.
Nguyên nhân của nhiều bệnh mãn tính
Ngứa mũi, chảy mũi nước, đặc biệt là hắt hơi liên tục vào là lúc sáng sớm, vừa mới ngủ dậy có thể gặp ở hầu hất người bị viêm mũi dị ứng. Khi viêm mũi dị ứng mạn tính thì có hiện tượng nghẹt mũi xẩy ra gần như thường xuyên, kèm theo ù tai, nhức đầu rất dễ nhầm với viêm xoang.
Chảy nước mũi là do niêm mạc mũi bị viêm nhiễm và bị kích thích gây xuất tiết nhiều. Như vậy, niêm mạc mũi ngoài yếu tố kích thích do dị nguyên (kháng nguyên) còn có vài trò kích thích của vi khuẩn càng gây ngứa, chảy nước mũi, hắt xì hơi tăng thêm.
Viêm mũi dị ứng mạn tính kéo dài có thể bị loạn khứu giác (mất mùi hoặc bị thay đổi mùi khi ngửi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi bởi sự phì đại của vách ngăn và cuốn mũi.
Viêm mũi dị ứng dễ xuất hiện và dễ tái phát ở một cơ thể có cơ địa dị ứng. Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị tích cực, đúng phác đồ thì nó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm họng, viêm xoang dị ứng hoặc hình thành polyp mũi, polyp xoang…
Đối phó với bệnh
Để hạn chế viêm mũi dị ứng hoặc tái phát bệnh thì cần vệ sinh định kỳ các loại chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm nhằm giảm bớt hoặc tiêu một số ký sinh trùng gây dị ứng. Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt.
Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy là điều hết sức cần thiết để loại bỏ bớt các vi sinh vật gây bệnh.
Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với với bụi (bụi trong nhà và bụi ngoài đường). Không nên nuôi chó, mèo trong nhà, nếu không thể không nuôi thì nên hạn chế đến mức tối đa tiếp xúc với chúng, nên nuôi ở một ví trí riêng và vệ sinh chuồng sạch sẽ hàng ngày.
Cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường. Mùa lạnh mỗi lúc ra khỏi nhà cần giữ ấm cơ thể như mặc đủ ấm, cổ cần được quàng khăn ấm, đeo khẩu trang để tránh gió lạnh tác động vào niêm mạc mũi.
Khi nghi bị viêm mũi dị ứng cần khám chuyên khoa tai, mũi, họng không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự mua thuốc để điều trị, đặc biệt là tự mua thuốc corticoides để sử dụng sẽ rất có hại cho cơ thể.
4 :
Khi nào cần cắt amiđan??
Amidan là gì?
Amidan là nhóm tân bào dùng để bảo vệ cơ thể chống sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất ra chất IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Há miệng ra, ta thấy đáy lưỡi, hai bên đáy lưỡi là 2 amidan.
Mặt ngoài của amidan láng màu hồng, không nhức, không to. Lúc mới sinh, hai amidan rất nhỏ nằm sát hai bên thành họng. Amidan lớn dần theo nhu cầu cơ thể. Thể tích tăng lớn nhất vào khoảng từ 7 đến 10 tuổi, sau nhỏ dần đến tuổi dậy thì.
Amidan là nơi diệt trùng mạnh nhất so với các cơ quan cùng nhóm. Nếu giữ vệ sinh không sạch, không năng rửa tay, nhất là, trước khi ăn hay lấy tay ngoáy mũi, cho vào họng, không súc miệng, ăn xong không đánh răng, v.v…, vi khuẩn sẽ vào họng ồ ạt, amidan phải tích cực lắm mới tiêu diệt được số vi khuẩn to lớn này.
Ổ vi trùng Amidan
Nhưng nếu bị suy dinh dưỡng và trong đợt dịch cảm cúm nào đó, nhất là với trẻ em, amidan cũng bị tràn ngập vi khuẩn. Chỉ điều trị bằng kháng sinh, bệnh mới bớt nhanh.
Nhưng nếu tình trạng kém vệ sinh và suy dinh dưỡng vẫn tiếp tục, đợt nhiễm trùng amidan kế tiếp xảy ra rất dễ dàng. Đến một lúc nào đó, amidan mất khả năng diệt trùng và thường xuyên bị tràn ngập vi khuẩn. Lúc này amidan là ổ vi trùng chứ không còn là nơi diệt trùng nữa.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm amidan nhưng nhiều nhất là từ 6 đến 14 tuổi. Trai hay gái, đều bị viêm ngang nhau.
Amidan không phải khối thịt thừa
Một em bé ăn ngủ bình thường, thể trọng tăng dần mặc dù hai amidan to hồng và láng, không khó nuốt, không khó thở, hai amidan hoạt động tốt và trong trường hợp đó không lý do gì cắt bỏ amidan đi.
Nhiều cha mẹ đem con đến bệnh viện xin cắt amidan trong tình trạng này vì coi nó là “thịt dư”. Cũng có nhiều bà con nghe lời hàng xóm là phải cắt “thịt dư” em bé mới mau lớn. Quan niệm này sai lầm hoàn toàn.
Trên thế giới, chỉ định cắt amidan được giới hạn tối đa sau khi các bác sỹ khám phá ra các lợi ích của amidan đối với cơ thể trẻ em. Số các cháu viêm amidan nhẹ rất nhiều và không cần thiết phải cắt. Chỉ các em bị viêm nhiễm nhiều, amidan hoàn toàn không còn lợi ích cho cơ thể, mới nghĩ đến cắt bỏ.
Chỉ định cắt amidan được thu gọn lại còn bốn điểm sau đây:
- Amidan đã bị một đợt viêm cấp mủ
- Amidan bị viêm mạn nhưng có triệu chứng khó nuốt, khó thở, vì quá to
- Amidan bị viêm mạn nhưng lên cơn bộc phát nhiều lần trong năm, chẳng hạn 5-7 cơn bộc phát trở lên trong một năm
- Amidan bị viêm mạn, trẻ ngừng thở từng cơn trong lúc ngủ.
5 :
Khi nào cần nạo VA??
- VA có nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết cho cơ thể, đó là tiêu diệt vi khuẩn khi chúng xâm nhập cơ thể. Vì vậy, không nên cứ có viêm nhiễm là nạo VA, chỉ trừ các trường hợp đặc biệt cần thiết.
VA là tên tắt từ tiếng Pháp Végétations Adénoides; y khoa Việt Nam gọi là sùi vòm họng. Nó là mô tân bào gồm nhiều tế bào bạch cầu, nằm ở nóc vòm, sau cửa mũi sau. Khi hít thở, không khí vào mũi, qua VA rồi mới tới phổi. Bình thường, VA có kích thước rất nhỏ, dày khoảng 4-5 mm, không cản trở đường thở. Nó tuy rất mỏng nhưng xếp theo hình lá nên diện tiếp xúc với bên ngoài rất rộng.
VA có từ lúc trẻ mới sinh nhưng rất nhỏ. Từ 6 tháng tuổi, nó phát triển dần theo nhiệm vụ miễn dịch. Đến 9-10 tuổi, VA teo dần và chỉ còn vết ở tuổi dậy thì.
Nhiệm vụ của VA là miễn dịch, tức nhận diện vi khuẩn để tạo ra kháng thể, tiêu diệt vi khuẩn khi chúng tái xâm nhập. VA hợp với một số mô tân bào khác có cùng nhiệm vụ miễn dịch để thành lập vòng Waldeyer (gồm VA, amiđan vòi, amiđan hầu, amiđan lưỡi). Vòng này bao chung quanh đường thở và đường ăn. Tất cả các vi khuẩn vào từ mũi (đường thở) và từ miệng (đường ăn) đều phải xuyên qua vòng này.
Khi không khí chứa vi khuẩn vào mũi, đi ngang qua VA, vi khuẩn sẽ bám vào VA dễ dàng nhờ diện tiếp xúc rộng. Các tế bào bạch cầu chực chờ sẵn, “bắt” vi khuẩn và lôi chúng vào sâu, nơi có nhiều hạch để nhận diện vi khuẩn và tạo ra kháng thể chống lại vi khuẩn. Kháng thể này được nhân rộng và tỏa đi khắp nơi, đặc biệt nhiều nhất là ở vùng mũi họng. Khi có vi khuẩn xâm nhập, các kháng thể này sẽ tự động vô hiệu hóa chúng và tiêu diệt ngay, trước khi chúng kịp sinh sôi và gây tác hại.
Do thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn nên VA dễ bị viêm, nhưng là viêm rất nhẹ, không ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể. Tuy nhiên, khi sức đề kháng của cơ thể suy yếu, vi khuẩn tràn ngập quá nhiều sẽ xâm nhập toàn bộ VA. Lúc này, nếu bạch cầu không đủ sức “bắt” tất cả các vi khuẩn, chúng sẽ bám và cư trú tại VA, sinh sôi nảy nở và gây viêm bệnh lý. Trẻ sẽ bị sốt, có thể lên tới 38-39 độ C. Trẻ thiếu sức đề kháng còn có thể bị rối loạn tiêu hóa (nôn trớ, tiêu chảy, đau bụng…) và động kinh.
Nếu viêm kéo dài, thể tích VA sẽ tăng lên và ngăn cản không khí ra vào, khiến trẻ bị nghẹt mũi. Lượng nước có ở mũi không được bốc hơi, đọng lại ngày càng nhiều và chảy ra phía trước, gây chảy mũi trong. Nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài, vi khuẩn cộng sinh trong mũi sẽ trở thành vi khuẩn gây bệnh. Nước mũi trong trở thành nước mũi đục và chảy ra rất nhiều, sau đó trở thành màu xanh.
Sát bên VA có một lỗ thông vào tai giữa. Lỗ này được mở ra mỗi khi ta nuốt, ngáp, thổi phùng má, nhờ vậy mà tạo cân bằng áp lực không khí ở tai giữa và bên ngoài, giúp chúng ta nghe tốt. VA viêm quá phát có thể bít tắc lỗ vòi này. Áp lực không khí ở tai giữa bị giảm, tai giữa xuất tiết dịch và trẻ nghe kém. Bệnh này gọi là viêm tai giữa thanh dịch.
Nếu VA to, không khí vào ít, không cung cấp đủ ôxy cho cơ thể, trẻ sẽ trở nên lờ đờ, việc học tập bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì thiếu ôxy nên trẻ ngủ không yên giấc, hay giật mình và mệt mỏi sau khi ngủ.Viêm VA có thể gây các biến chứng như viêm mũi (chảy mũi đục, nghẹt mũi, nhức mũi), viêm xoang (chảy mũi như mủ, nhức vùng má), viêm tai giữa thanh dịch (nghe kém, màng nhĩ không thủng), viêm tai giữa cấp (sốt, nhức tai, nghe kém, sau đó chảy mủ tai, thủng nhĩ), viêm amiđan (2 amiđan to, nuốt khó, nuốt vướng, thỉnh thoảng lên cơn bộc phát cấp), viêm thanh quản (khó thở, ho, khàn tiếng, dễ dẫn đến tử vong).
Trẻ bị VA quá phát lâu ngày nếu không điều trị, mũi sẽ ít được sử dụng. Trong nhiều năm, chóp mũi trở nên nhỏ hơn, xương hàm trên phát triển kém, răng hàm trên mọc lởm chởm. Cằm có vẻ nhô ra và to hơn. Trẻ lúc nào cũng há miệng để thở vì mũi bị nghẹt.
Tuy nhiên, hiện nay các bác sĩ rất hạn chế chỉ định nạo VA vì bộ phận này có nhiệm vụ miễn dịch rất quan trọng. Chỉ nạo VA trong các trường hợp sau: VA quá to, gây khó thở và viêm mũi hoặc gây nghe kém, viêm tai giữa cấp. Bác sĩ cũng chỉ định nạo nếu viêm VA có một trong các biến chứng như viêm amiđan, viêm thanh quản cấp, rối loạn tiêu hóa, không tăng trọng.
Nạo VA là thủ thuật đơn giản, có thể tiến hành nhanh gọn trong vài phút, ít gây biến chứng, hậu phẫu nhanh. Có thể gây tê hoặc gây mê.
6 :
Chứng viêm amiđan và cách điều trị?
- Do nằm ở cửa ngõ đường thở nên amiđan rất dễ bị viêm nhiễm. Nguyên nhân gây viêm chủ yếu là bụi, khói than, hóa chất, sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm (những thay đổi này ảnh hưởng tới sức căng bề mặt màng tế bào biểu mô, khiến vi khuẩn, virus dễ xâm nhập amiđan).
Nhìn chung, viêm amiđan được phân thành 2 loại:
l. Viêm amiđan cấp không đặc hiệu
Biểu hiện trước tiên là đau họng, sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi kèm theo chảy nước mắt; 2 amiđan sưng to, vùng họng viêm đỏ. Xét nghiệm công thức máu thấy số lượng bạch cầu không tăng. Thủ phạm gây viêm trong những trường hợp này thường là virus cúm A, B, C hoặc á cúm (adeno, rhino, herpet).
Bệnh nhân nên hạn chế sử dụng kháng sinh. Dùng một số thuốc điều trị triệu chứng như: chống phù nề, giảm đau, kháng histamin; vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch sát khuẩn nhẹ như angispray, eludril, locabiotal, givalex... hoặc nước muối pha loãng.
2. Viêm amiđan cấp tính đặc hiệu do vi khuẩn
Bệnh nhân sốt cao đột ngột, đau họng tăng, thường đau lan tỏa vùng tai, hạch lân cận sưng to, người mệt mỏi, amidan viêm to kèm theo các hốc mủ, miệng hôi, xuất hiện màng giả tại amiđan. Xét nghiệm máu cho thấy số lượng bạch cầu tăng cao, bạch cầu trung tính tăng. Thủ phạm gây viêm thường là các vi khuẩn như liên cầu khuẩn, xoắn khuẩn (thường có màng giả kèm theo loét hoại tử)...
Để điều trị, bệnh nhân được dùng kháng sinh đặc hiệu thích hợp với nguyên nhân gây viêm. Bác sĩ chỉ có chỉ định phẫu thuật trong trường hợp amiđan viêm mạn tính kéo dài, tái phát thường xuyên hằng tháng, có tiền sử viêm tấy quanh amiđan, xuất hiện hội chứng ngạt thở khi ngủ, viêm cầu thận cấp (chỉ cắt amiđan khi đã điều trị xong bệnh này).
Để phòng ngừa chứng viêm amiđan, nên vệ sinh đường mũi - họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn angisp-ray, eludril, locabiotal, givalex hoặc nước muối pha loãng (NaCl 0,9%)... Tránh dùng nước đá quá nhiều và ra vào phòng lạnh đột ngột, nhất là khi nhiệt độ ngoài môi trường cao. Nên dùng khẩu trang tránh bụi khi làm việc những nơi có mức độ ô nhiễm cao.
7 :
Trẻ viêm VA có nguy hiểm không??
VA là danh từ viết tắt của végétations Adenoids có nghĩa là sùi vòm họng. Bởi vì, VA là một tổ chức bạch huyết ở vòm mũi họng, khi tổ chức này viêm và quá phát tạo thành một khối to mới gọi là sùi vòm họng.
Sùi vòm họng (VA) sẽ làm cản trở đường thở không khí và một số bộ phân lân cận của trẻ nếu không được điều trị và giải quyết dứt điểm sẽ có nhiều biến chứng.
Biểu hiện của trẻ viêm VA
VA là một tổ chức lympho (bạch huyết) nằm ở nóc vòm, sau cửa mũi sau. Khi hít vào không khí sẽ vào mũi, đi qua VA rồi vào khí quản và phổi. VA có từ khi trẻ mới lọt lòng, khi chưa bị viêm thì chúng có kích thước nhỏ (khoảng từ 4 - 5mm), rất mỏng, xếp theo hình lá nên dễ tiếp xúc với bên ngoài và với kích thước này đường thở hoàn toàn bình thường. Ở khoảng từ 6 tháng tuổi, VA phát triển dần dần với chức năng miễn dịch nhằm ngăn cản sự xâm nhập của vi sinh vật, thông thường đến khoảng từ 6 - 7 tuổi teo hết chỉ để lại vết ở tuổi dậy thì.
Việc điều trị cho trẻ viêm VA như thê nào là do bác sĩ khám bệnh chỉ địnhViêm VA thường có 2 loại: cấp tính và mạn tính. Viêm VA cấp tính thường xảy ra ở trẻ ngay từ khi từ 6 - 7 tháng tuổi cho đến từ 4 - 7 tuổi (đôi khi gặp ở trẻ lớn hơn). Trẻ thường có sốt cao trên 38oC kèm theo chảy nước mũi. Nước mũi ở những ngày đầu còn trong, lỏng sau đó đặc dần và có mủ. Trẻ thường bị ngẹt mũi nhất là lúc trẻ ngủ hoặc thể hiện rõ ở các trẻ đang bú mẹ (trẻ bú không được liên tục mà thỉnh thoảng phải nhè đầu ti ra để thở và khóc). Hầu hết trẻ bị ho và nếu có biến chứng viêm phế quản thì càng khó thở hơn, nhất là dạng viêm phế quản co thắt ở một số trẻ. Sức khỏe của trẻ giảm dần nên trẻ mệt mỏi, biếng ăn, ngủ kém hay quấy khóc, hơi thở hôi.Viêm VA cấp tính cũng có thể biểu hiện rất nhẹ chưa ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và trẻ vẫn ăn uống, chơi, ngủ bình thường như các trẻ khác cho nên bố mẹ thường xem nhẹ hoặc bỏ qua.
Viêm VA cấp tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm rất dễ chuyển thành dạng viêm VA mạn tính (VA quá phát). Viêm VA mạn tính là dạng viêm kéo dài thường biểu hiện nghẹt mũi và chảy mũi mạn tính. Nước mũi đặc, có mủ và chảy ra suốt ngày, nếu VA bị viêm bởi loại trực khuẩn mủ xanh (pseudomonas aeruginosa) thì nhầy mũi có màu xanh, vì vậy người ta thường nói là thò lò mũi xanh. Nghẹt mũi trong viêm VA mạn tính thường cả ngày lẫn đêm làm cho trẻ khó thở, do đó thường thở bằng miệng. Kèm theo sự thở bằng miệng, trẻ thường ngủ ngáy to và thỉnh thoảng có cơn ngưng thở rất nguy hiểm.
Hậu quả của viêm VA
Khi bị viêm VA dù ít, dù nhiều cũng làm ảnh hưởng đến đường thở của trẻ do VA bị viêm sưng tấy, to ra gây cản trở lưu thông không khí từ đó làm cho não bộ thiếu dưỡng khí (oxy). Trẻ khó thở và phải thở bằng đường miệng khi ngủ sẽ làm cho biến dạng một số bộ phận như da xanh, răng bị vẩu, mọc lệch, môi trên bị kéo xệch lên, môi dưới thõng xống làm cho bộ mặt trẻ của trẻ thay đổi. Người ta thường nói trẻ có bộ mặt VA bởi vì khi trẻ bị viêm VA mạn tính (VA quá phát) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chức năng của mũi (vì trẻ thở bằng mồm) cho nên làm cho chóp mũi trở nên nhỏ hơn, xương hàm trên phát triển kém, răng hàm trên mọc lệch, cằm của trẻ bị nhô ra và to hơn.
Khi bị viêm VA trẻ cũng có thể bị biến chứng thành một số bệnh khác nặng hơn, nguy hiểm hơn. Đó là viêm phế quản. Viêm phế quản xảy ra chỉ sau vài ngày bị viêm VA cấp, trẻ vẫn sốt tiếp tục, sốt cao, ho nhiều hơn, khó thở, môi tím, cánh mũi phập phồng. Viêm phế quản do biến chứng của viêm VA rất nguy hiểm cho trẻ nhưng dễ bỏ sót bởi vì người nhà của trẻ cứ tưởng trẻ chỉ viêm VA thôi. Vì vậy, cần hết sức cảnh giác để nhanh chóng cho trẻ đi khám bệnh.
Viêm VA cũng có thể dẫn đến viêm tai giữa cấp tính. Nếu là biến chứng của viêm VA cấp thì thường trẻ bị viêm tai giữa cấp tính có mủ. Trẻ sốt cao, quấy khóc nhiều do đau nhức trong tai, một số trẻ có thể có tiêu chảy. Tiêu chảy ở đây không phải là do trẻ nuốt phải mủ của VA viêm mà do phản xạ thần kinh gây kích thích nhu động ruột, làm tăng nhu động ruột và làm cho trẻ bị tiêu chảy (khi hết viêm tai giữa thì trẻ cũng hết tiêu chảy). Viêm tai giữa cấp có thể có mủ chảy ra. Đối với viêm VA mạn tính, kéo dài có thể đưa đến viêm tai giữa thanh dịch, dịch chảy ra trong hơn. Trẻ sốt nhẹ và loại viêm tai giữa thanh dịch cũng ít gây nguy hiểm hơn là viêm tai giữa cấp tính có mủ.
Ngoài ra, khi trẻ bị viêm VA có thể làm viêm thanh quản cấp hoặc mạn tính làm cho trẻ sốt tăng lên (cấp tính), giọng nói khàn (có khi mất tiếng).
Viêm VA cũng là một trong các nguyên nhân chính gây viêm amidan ở trẻ đã có amidan. Viêm amidan cũng có thể cấp tính và mạn tính. Viêm amidan cấp tính do biến chứng của VA sẽ làm cho trẻ sốt cao, đau họng, nuốt vướng.
Nên làm gì?
Cần đưa trẻ đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa tai mũi họng, nếu thấy nghi ngờ trẻ viêm hô hấp thì cần cho trẻ khám chuyên khoa nhi. Không nên chủ quan khi trẻ bị viêm VA, bởi vì sẽ có nhiều biến chứng xảy ra khiến trẻ kém phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ do não bộ luôn thiếu oxy bởi không khí lưu thông bằng đường mũi bị cản trở.
Không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ. Việc tự dùng thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ bị sốt là hoàn toàn không đúng bởi vì kháng sinh không phải là loại thuốc chữa bách bệnh. Khi trẻ sốt cao mà chưa kịp đưa trẻ đi khám bệnh thì nên dùng khăn sạch nhúng nước ấm để lau cho trẻ. Cần lau cho trẻ ở nách, bẹn, cổ và đắp khăn ấm lên trán. Không dùng nước lạnh hoặc nước đá để chườm hoặc đắp lên trán cho trẻ, bởi vì làm như vậy sẽ cản trở sự thoát nhiệt của trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38oC (khi có cặp nhiệt) có thể hạ nhiệt bằng cách cho uống hoặc đặt hậu môn (viên đặt) thuốc paracetamol với liều lượng 10mg/kg cân nặng của trẻ. Việc điều trị cho trẻ viêm VA như thế nào là do bác sĩ khám bệnh cho trẻ chỉ định. Có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) nếu trẻ mới bị lần đầu, nhưng có thể điều trị ngoại khoa (nạo VA). Các bậc phụ huynh nên lưu ý rằng, chỉ nạo VA khi chưa có gây biến chứng mới có tác dụng ngăn ngừa biến chứng do viêm VA gây ra, nếu khi đã có biến chứng rồi thì nạo VA cũng không còn tác dụng ngăn ngừa biến chứng nữa. Nạo VA là một thủ thuật đơn giản đối với một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thực thụ (không nên hiểu lầm giữa nạo VA và cắt amidan). Thủ thuật nạo VA có thể được tiến hành có gây mê hoặc gây tê tại chỗ và diễn ra trong vòng khoảng vài ba phút. Nạo VA thường không có biến chứng gì, sau khi nạo khoảng 30 phút đến 1 giờ là có thể về nhà, không cần kiêng nói và ăn uống bình thường.
8 :
Bệnh viêm tai giữa cấp là gì, triệu chứng và cách chữa??
Từ ngoài vào trong: Vành tai, đến ống tai ngoài, rồi đến màng nhĩ. Phía sau màng nhĩ có một khoảng không chứa không khí, chuỗi xương con và thông với vòm họng qua một ống gọi là vòi nhĩ – toàn bộ cấu trúc phía sau màng nhĩ này được gọi là tai giữa. Khi có bệnh lý ở đường hô hấp trên, dù tác nhân gây bệnh là virút hay vi trùng đều có thể gây viêm vòi nhĩ rồi dẫn đến viêm tai giữa ngay sau đó.
Trong trường hợp điển hình viêm tai giữa cấp thường đi sau bệnh lý đường hô hấp trên, tuy nhiên bệnh cũng có thể khởi phát độc lập. Khi bị viêm tai giữa cấp trẻ có thể có tất cả hoặc chỉ có 1 trong các triệu chứng sau:Nóng sốt: có thể sốt nhẹ thoáng qua nhưng cũng có thể sốt cao dai dẳng.
Đau tai: đây là triệu chứng điển hình của viêm tai giữa cấp. Triệu chứng này thường làm quí phụ huynh lo ngại nhất. Vì đau tai có thể khởi phát một cách đột ngột: bé đang chơi ban ngày hoặc đang ngủ yên vào ban đêm bỗng nhiên than đau tai dữ dội như có con gì chui vô tai. Đối với trẻ nhỏ thường hay có triệu chứng khóc ré lên vô cớ hoặc bứt rứt đưa tay đập, ngoáy vào tai.
Ói mửa, hoặc tiêu chảy: hai triệu chứng này tuy ít gặp nhưng thường đánh lừa thầy thuốc và làm chẩn đoán sai lệch sang bệnh lý của đường tiêu hóa.
Chảy mủ tai: triệu chứng này thường có sau 3 đến 5 ngày sốt cao liên tục và sau khi chảy mủ tai thì hết sốt. Tuy nhiên cũng có thể chỉ là một triệu chứng đơn độc tự nhiên phụ huynh phát hiện ở ống tai ngoài của trẻ chảy ra một ít dịch màu vàng nhạt lỏng, đôi khi đặc keo nhẹ hoặc có màu nâu nhạt như sô-cô-la.
Bạn có thể giúp cho trẻ hạ sốt hoặc làm dịu cơn đau tai của trẻ bằng cách cho trẻ uống một liều paracetamol: liều 10-15mg/kg. Trường hợp trẻ bị chảy mủ tai bạn nên dùng khăn sạch nhúm nước ấm vắt ráo lau chùi vành tai và cửa tai ngoài sạch sẽ, bạn không nên cố chùi sạch mũ trong ống tai bằng que gòn vì đôi khi bạn có thể làm cho trẻ bội nhiễm hoặc tổn thương ống tai và màng nhĩ ngoài ý muốn. Sau đó bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có kế hoạch theo dõi và điều trị phù hợp.
Bạn cần làm gì để giúp trẻ phòng ngừa bệnh lý này?
Giữ vệ sinh sạch sẽ: tắm rữa sạch sẽ, nhắc nhỡ trẻ rữa tay thường xuyên, vệ sinh đồ dùng và đồ chơi cho trẻ.
Giữ ấm cho trẻ: mang bít tất, quấn khăn cổ, mặc áo ấm. Nằm ngủ nơi khuất gió.
Làm sạch đường hô hấp: nhỏ nước muối sinh lý natri clorua 0,9% vào mũi của trẻ 3-10 giọt một bên ngày 3-5 lần để làm sạch đường hô hấp.
9 :
Đau tai là bệnh gì??
Viêm tai ngoài và viêm tai giữa cấp là hai nguyên nhân thường gặp gây đau tai. Viêm tai ngoài thường có tiền sử như mới đi bơi hoặc chấn thương tai, viêm tai giữa cấp thường có tiền sử hoặc đang có nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Thăm khám, trong viêm tai ngoài thấy da ống tai bị sung huyết, còn viêm tai giữa chỉ thấy khi màng nhĩ bị vỡ và mủ chảy ra ngoài ống tai. Trường hợp của bạn đã đi khám nhưng không phát hiện viêm tai, có thể nghĩ đến đau tai liên quan đến các bệnh lý như: đau tai dữ dội mà không tương ứng với phát hiện thực thể có thể do virus zona ở tai (đặc biệt khi những phồng nước ở ống tai hoặc hố thuyền). Đau kéo dài và chảy mủ tai gợi ý đến viêm xương nền sọ hoặc ung thư. Ngoài ra, do tai được chi phối bởi rất nhiều dây thần kinh nên khi tổn thương các dây thần kinh tam thoa, dây mặt (dây VII) , dây phế vị (dây X), dây lưỡi họng (IX) và dây cổ trên; các nhiễm khuẩn khối u vùng họng miệng, hạ họng, thanh quản đều gây đau tai. Khi đau tai kéo dài cần thăm khám chuyên khoa để loại trừ ung thư.
Truy cập hôm qua: 19
Tổng số lượt truy cập: 4595
Truy cập trung bình: 30
Đang online: 2
Tài liệu trong thư viện: 169
Thảo luận: 13
Thành viên: 573
Thành viên mới: lnt3912